💢 Điều bất ngờ: Sư Thích Minh Tuệ đến từ đâu, tại sao phải dừng?
2 giờ trước
Sư Thích Minh Tuệ với đầu trần, chân đất đi bộ từ nam chí bắc, ôm lõi nồi cơm điện để khất thực và nhặt vải vá lại thành áo đã trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật. Cùng nhìn lại hành trình của ông và những tác động xã hội to lớn của hành trình ấy.
Trong các video trên mạng xã hội cũng như bài phỏng vấn với báo chí, sư Minh Tuệ thường xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường, thường xưng là “con”.
Việc tu sĩ này “tự nguyện dừng đi bộ khất thực” cũng khiến người dân bàn tán, đặt ra nhiều nghi vấn.
Sư Thích Minh Tuệ là ai?
Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam vào hôm 3/6 cho biết sư Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú. Ông “sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định”.
Ban Tôn giáo Chính phủ đồng thời thông tin rằng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo” và vị hành giả “không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật”.
Đề cập đến chặng đường tu tập của sư Minh Tuệ, Ban Tôn giáo Chính phủ nêu:
“Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 03 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại… Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng – Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung.”
Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến lần đi bộ khất thực xuyên Việt lần thứ tư của vị tu sĩ thu hút được nhiều sự chú ý. Người dân ra đường đón tiếp cũng như đi theo ông ngày một đông.
Cách tu tập của sư Minh Tuệ
Chia sẻ với báo giới, nhà sư đã xin phép gia đình xuất gia để được “giải thoát” từ năm 2015. Ông cũng có tu tập ở một ngôi chùa trong thời gian ngắn, được đặt pháp danh Thích Minh Tuệ.
Sau khi rời chùa, ông vẫn giữ pháp danh Thích Minh Tuệ, khởi sự tu 13 hạnh đầu đà và bộ hành khất thực từ nam chí bắc. Những năm qua, sư Minh Tuệ không thuộc bất kỳ nhà chùa hay cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo tư liệu Phật giáo, pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não.
Trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi.
Một các giản lược thì các pháp hạnh này bao gồm: mặc áo tự may từ vải nhặt được trên đường; chỉ có ba y (ba áo thôi); khất thực để ăn; mỗi ngày chỉ ăn một bữa trước giờ Ngọ; không xin nhiều thức ăn để dành; không nhận lời tới tịnh xá hoặc chỗ của cư sĩ để ăn; không ngủ trong tịnh thất hoặc nhà, chỉ ngủ nghĩa địa, gốc cây ngoài trời; du hành từ nơi này qua nơi khác; chỉ ngủ ngồi (không nằm).
Trong hàng đệ tử Phật, tôn giả Ca Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu đà.
Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn, tu sĩ Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được nhà nước Việt Nam công nhận, nhận xét:
“Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật.
“Còn nếu người đó có tham gia bất kỳ một tổ chức nào, hay là với vai trò gì, nhưng đi ngược lại lời Phật thì đó là người giả tu, người không tu hành chân chính.”
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất viết về trường hợp sư Minh Tuệ như sau:
“Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?”
Cảm hứng từ sư Minh Tuệ
Hành trình tu tập của sư Thích Minh Tuệ đã tạo cảm hứng cho nhiều người với bằng chứng rõ ràng là đông đảo người dân ra đường chào đón, muốn được diện kiến ông ở các tỉnh thành mà ông đi qua, hàng triệu người trong và ngoài nước theo dõi ông trên mạng.
Trước khi sư Minh Tuệ “tự nguyện dừng đi bộ khất thực”, một số thống kê cho biết có những thời điểm có hơn 70 người ăn vận giống nhà sư đã đi theo ông.
Chuyến đi của vị hành giả đã trở thành nội dung chính cho nhiều tài khoản Facebook, kênh TikTok, YouTube,… với mỗi video phát trực tiếp thu hút hàng ngàn đến hàng chục ngàn người xem đồng thời, tổng lượt người xem đạt hàng triệu, lượt tương tác lên tới hàng chục ngàn.
Vây quanh ông trên mỗi chặng hành trình luôn có hàng chục người quay video để phát lên các nền tảng mạng xã hội.
Hình ảnh của sư Thích Minh Tuệ cũng được thương mại hóa. Rất nhanh chóng, các sản phẩm thời trang như áo thun, áo polo, có thiết kế dựa trên y phục sư Minh Tuệ đã xuất hiện ở một số sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam.
Không chỉ thời trang, người tiêu dùng còn có thể tìm các sản phẩm khác liên quan đến vị hành giả như tranh tráng gương, tranh kỹ thuật số, đồng hồ treo tường in hình sư Thích Minh Tuệ,… với đa dạng mức giá, từ dưới 100.000 đồng cho đến hơn 300.000 đồng.
Một số trang bán hàng đã cho ra mắt sản phẩm lịch để bàn năm 2025 với sư Minh Tuệ là hình ảnh chủ đạo.
Một bài viết trên báo VnExpress ngày 23/5 cho biết ca sĩ Thu Phương mặc chiếc đầm trị giá tới 2,5 triệu đồng lấy cảm hứng từ trang phục sư Minh Tuệ.
Bên ngoài các hoạt động thương mại, nhiều người đã đúc tượng, vẽ tranh, cắt kiểu tóc có hình mặt của ông… để bày tỏ sự ngưỡng mộ
Tranh cãi
Nói về hiện tượng Thích Minh Tuệ, sư Thích Đồng Long nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng đây là một trường hợp hiếm có.
“Trong lịch sử, kể từ thời Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đến nay, tôi nghĩ cũng có nhiều vị đã từng thực hành những hạnh như thế. Nhưng trong thời kỳ 4.0 này thì trường hợp của thầy Minh Tuệ là rất hiếm.”
“Hiếm có một người có thể thực hành theo lời Phật dạy như vậy, nên đây cũng là cơ hội tốt để người dân tự nhìn lại mình trong một thời đại chuộng vật chất như bây giờ,” nhà sư nói tiếp.
Ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), cho rằng cá nhân ông Minh Tuệ phần nào mang lại hy vọng cho nền Phật giáo Việt Nam đang suy thoái.
Khác những lời ca tụng và ủng hộ sư Thích Minh Tuệ có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội, mặt trận báo chí Việt Nam xuất hiện nhiều bài viết theo chiều hướng kêu gọi “cảnh giác”.
Bài viết “Khi kiếp nạn sinh ra từ ‘ngáo’ mạng xã hội” trên báo Công An Nhân Dân hôm 26/5 tập trung phê phán phản ứng của cộng đồng mạng trước hiện tượng sư Thích Minh Tuệ thay vì đi vào phân tích chi tiết về cách tu hành của sư.
Bài viết đồng thời khẳng định việc tu tập của sư Minh Tuệ “quá ư là bình thường”, đặt nghi vấn liệu “ca tụng thái quá” có đúng với tinh thần trung đạo hay không.
Một bài viết khác trên báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 1/6 cho rằng hình ảnh sư Minh Tuệ đi bộ tu hành đang bị “các thế lực thù địch” lợi dụng để “phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và “chống phá chính sách tôn giáo” của Đảng và nhà nước.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin về các trường hợp sốc nhiệt khi bộ hành theo sư Minh Tuệ, trong đó có một người đã tử vong.
Người nổi tiếng trong ngành giải trí Việt Nam cũng tham gia vào cuộc tranh luận, trong đó có diễn viên Angela Phương Trinh.
Cô này được biết đến là đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang – trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Với tài khoản Facebook hơn 2,2 triệu lượt theo dõi, nữ diễn viên đã có những bài viết công kích sư Thích Minh Tuệ cũng như đoàn người đi theo ông.
Một số bài viết của cô cho rằng nhà sư có “tổ chức ngầm” chỉ đạo để “tàn phá Việt Nam”, “lật đổ Phật giáo”.
“Sư phụ” của cô này là Thượng tọa Thích Chân Quang thì xuất hiện trong một video chỉ trích sư Thích Minh Tuệ, gọi ông là “thằng ba trợn”.
Báo Công Thương dù thừa nhận phát ngôn của nữ diễn viên “chưa đúng” nhưng lưu ý rằng người dân cũng cần phải “cảnh giác”.
Trong khi đó, nhiều tài khoản mạng được cho là của những người ủng hộ sư Minh Tuệ cũng có những bình luận gây tranh cãi, trong đó có các lời chỉ trích gay gắt nhằm vào các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Quảng Trị là nơi từng xảy ra tranh cãi khi quản lý một nghĩa trang không cho đoàn của sư Thích Minh Tuệ nghỉ qua đêm. Còn Huế là nơi sư Thích Minh Tuệ dừng chân vào chiều 2/6 trước khi “biến mất” trong đêm.
Quan điểm của chính quyền
Sự thu hút đông đảo của sư Thích Minh Tuệ đã khiến các tổ chức Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.
Vào ngày 16/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ra công văn gửi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.
Công văn ghi:
“Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó cũng ra thông báo khẳng định “ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và đề nghị các địa phương quan tâm không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự, “đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật”.
Công văn của Thượng tọa Thích Đức Thiện về sư Thích Minh Tuệ đã nhận nhiều ý kiến chỉ trích, trong đó nổi lên câu hỏi về quyền và tư cách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc công nhận tu sĩ Phật giáo.
Liên quan đến các văn bản này, tu sĩ Thích Đồng Long cho rằng quan niệm không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không phải tu là một cách nhìn rất sai lầm, thể hiện sự thiếu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Vào ngày 3/6, thời điểm mà sư Minh Tuệ “biến mất” khi đang trên bộ hành tại Thừa Thiên Huế, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết:
“Các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực“.
Cuối phần thông báo là lời kêu gọi:
“Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.
“Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng.”
Một số phát ngôn của sư Minh Tuệ
Sư Thích Minh Tuệ là người thực hành, ông không có những bài giảng pháp cao thâm. Tuy nhiên, những lời nói chân chất, mộc mạc của ông chính là điểm thu hút đông đảo công chúng.
“Con là người Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy, không nhận tiền bạc của ai dưới bất kỳ hình thức nào, họ cho ngày một bữa vào buổi sớm rồi thì con không nhận nữa.”
“Con không phải là sư hay thầy gì cả, không thuộc giáo hội gì, không Nam tông hay Bắc tông…”
Khi có người hỏi tại sao ông không tu ở chùa, sư Minh Tuệ trả lời:
“Có người đang ở nhà yên lành thì bỏ nhà đi vào chùa. Có người vào chùa rồi thì lại bỏ chùa mà đi, không còn mê đắm gì nữa…”
“Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình,” báo VnExpress dẫn lời ông trong một bài viết đăng tải vào ngày 17/5.
“Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa,” sư Minh Tuệ nói tiếp.
Ông được đánh giá như thế nào?
Nhà sư Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có lời tán thán, bày tỏ sự mến mộ đối với sư Minh Tuệ.
Vị tỳ kheo nói hình ảnh nhà sư lặng lẽ đi hành đạo đã làm cho Phật giáo Việt Nam “sống lại trong lòng của Phật tử năm châu”. Tuy nhiên, cũng vì sự tán thán này mà sư Thích Minh Đạo bị giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội rằng nhiều người dân cảm thấy vui mừng vì sư Minh Tuệ và lối tu của ông là tín hiệu cho sự trở lại của đạo pháp chân chính, sẽ làm lu mờ những “pháp tu” mê mị dân chúng chủ yếu để thu tiền cúng trong thời gian gần đây.
Nhà sư Thích Đồng Long cho rằng sư Minh Tuệ là người đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với quần chúng Phật tử tại Việt Nam.
Sự buông bỏ trong pháp tu của sư Minh Tuệ khiến nhiều người ái mộ.
Nhà báo Cù Mai Công, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Sài Gòn xưa, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 6/6:
“Điều thuyết phục trong việc hành tu của sư Minh Tuệ với rất nhiều người, không chỉ Phật giáo mà ở cả các tôn giáo khác, đó là sự buông bỏ của một ý chí kiên cường đến không thể tin nổi.”
Một người thực hành tôn giáo ẩn danh chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
“Tôi thấy hình ảnh cũng như cách gọi là tu tập của ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) thật hay. Dù thế nào đi chăng nữa, cung cách sống hay có thể nói tu của ông toát lên vẻ đẹp của đời tu, nhất là trong chuyện buông bỏ.”
Tại sao ông dừng lại?
Ban Tôn giáo Chính phủ, như đã đề cập ở trên, thông tin rằng sư Thích Minh Tuệ đã “tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực” vào hôm 3/6 vì “nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ công dân”.
Nhưng theo tìm hiểu của BBC, mọi chuyện có thể không đơn giản như vậy.
Vào ngày 2/6, sau khi sư Thích Minh Tuệ và dòng người đi theo đến tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoàn đã được “điều hướng” đi theo đường tránh thay vì đi qua trung tâm thành phố Huế.
Đến sáng sớm hôm sau, khi mọi người đến khu vực nơi sư Thích Minh Tuệ nghỉ ngơi vào tối hôm trước, họ không còn thấy bóng dáng của ông.
Nhiều người dân bày tỏ lo lắng cho ông Minh Tuệ và mong muốn thấy ông để xác nhận rằng vị hành giả vẫn bình an.
Bên cạnh thông tin sư Thích Minh Tuệ mất tích bí ẩn, hình ảnh vị tu sĩ này được một cán bộ công an lấy dấu vân tay cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Báo chí trong nước sau đó đồng loạt đưa tin ông được đưa đi hỗ trợ làm căn cước công dân. Báo Pháp Luật TP.HCM hôm 4/6 thông tin rằng Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện việc làm căn cước này.
Một hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc xe cảnh sát biển số 75A (Thừa Thiên-Huế) chở theo một số người có ngoại hình giống nhà sư (tuy nhiên do chất lượng ảnh không rõ nên không thể xác định chính xác).
Cũng trong sáng 3/6, một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một nhóm nhà sư đang ăn uống tại một quán phở ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Nhóm người này được xác định là những người từng tham gia đoàn cùng sư Thích Minh Tuệ, nhưng không có hình ảnh nào ghi nhận sự hiện diện của ông.
BBC đã liên lạc với quán phở nói trên và được xác minh đúng là những nhà sư kia đã đến quán vào khoảng 8 giờ sáng ngày 3/6.
“Các thầy kể lúc tối chính quyền vào cuộc tách mọi người ra hết, mỗi nhóm mỗi nơi, cho nên bây giờ các thầy cũng không biết thầy Minh Tuệ ở đâu,” nhân viên quán thuật lại với BBC.
BBC đã nhận được nhiều thông tin cho biết đoàn đã bị giải tán ngay trong đêm khi đang nghỉ chân gần thành phố Huế, chứ không phải tự nguyện như thông báo của chính quyền.
Cho đến ngày 8/6, tức 5 ngày sau khi ông “biến mất”, người yêu mến ông vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Ông đang ở đâu? Ông có được tu tiếp hay không? Ông có an toàn không?
Một số thông tin cho biết ông đang ẩn tu tại Gia Lai, nhưng không có bằng chứng chắc chắn cho thấy điều đó.
Nhiều người nhắc lại trường hợp nhà sư Minh Đăng Quang, người khai sơn hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Nhà sư Minh Đăng Quang cũng đã đột ngột biến mất mãi mãi vào một ngày đầu năm 1954 sau khi các hành trình của ông được đông đảo dân chúng quan tâm và hưởng ứng.
Phật giáo Việt Nam
Hiện tượng Thích Minh Tuệ bùng phát trong thời điểm những bê bối của nhiều nhà sư trong nước khiếnniềm tin người dân Việt Nam phần nào lung lay, nhiều người gọi đây là thời “mạt pháp”.
Nổi bật có thể kể đến vụ “xá lợi tóc Đức Phật” do sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, tổ chức trưng bày vào cuối năm 2023.
Các phát ngôn gây ồn ào về nhân quả, lời kêu gọi cúng dường, phát ngôn chỉ trích các nhà sư khác của Thượng tọa Thích Chân Quang; các cuộc khẩu chiến giữa sư Thích Nhật Từ và sư Thích Trúc Thái Minh,… khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ về các vị sư này, thậm chí bày tỏ quan ngại về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam.
Tu sĩ Thích Nhuận Nghi, trụ trì chùa Từ Đức ở tỉnh Đồng Nai, đã xin hoàn tục vào đầu năm 2024 sau những hành vi “thiếu chuẩn mực”, vi phạm giới luật.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập theo chỉ đạo của chính quyền. Đây là tổ chức Phật giáo duy nhất được công nhận hợp pháp, đại diện cho Phật giáo Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổ chức này hiện có gần 5 triệu thành viên, nhiều vị tu sĩ trong đó tham gia chính quyền và là đảng viên Đảng Cộng sản.
Song song với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vẫn tồn tại các tổ chức tôn giáo độc lập khác, bất chấp việc không được chính phủ Việt Nam thừa nhận.
Nhiều nhà sư tự tu như sư Thích Minh Tuệ, hoặc theo các tổ chức độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, cho biết họ bị chính quyền làm khó dễ, thậm chí đàn áp.
nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3ggv58pzz2o