Việt Hương xé lòng nhìn Mạnh Quỳnh suy sụp khóc trên sân khấu, không hát với ai ngoài Phi Nhung
Xem thêm: Quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong: Bài học cũ, nỗi đau mới
Đã từng cho bé lớn đi học bằng xe đưa đón, song anh Bùi Văn Hưng, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội đang rất băn khoăn khi bé thứ 2 sắp đi học mầm non, nhất là khi nghe thông tin vụ việc trẻ bị quên trên xe xảy ra tại Thái Bình, dẫn đến tử vong. Bởi vậy, anh Hưng mong muốn, các quy định về giao nhận, đưa đón trẻ cần được thực hiện nghiêm túc hơn: “Cũng có lo lắng, nhưng thực sự bây giờ nhà trường cần phải có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ hơn với các nhà xe để đảm bảo việc kiểm soát học sinh lúc đưa lúc đón được hiệu quả và an toàn, bởi vì bây giờ trách nhiệm là giữa nhà trường, nhà xe và phụ huynh, nhưng vấn đề là nhà trường ký kết với nhà xe, còn phụ huynh hoàn toàn phụ thuộc vào nhà trường”, anh Hưng cho biết.
Cùng chung tâm trạng bất an khi con nhỏ đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón, chị Dương Thị Thảo (ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn các quy định về trách nhiệm các bên liên quan đến dịch vụ đưa đón học sinh được rõ ràng để các bên tuân thủ đúng quy trình:
“Tôi cũng có con nhỏ đang học tiểu học và em bé cũng đi xe buýt hàng ngày tới trường. Trong những trường hợp sự cố xảy ra với các con, bản thân tôi là phụ huynh cũng rất lo lắng và cũng mong sớm có các văn bản chỉ đạo cụ thể, rõ ràng hơn để nhà trường có thể thực hiện được và phụ huynh cũng yên tâm hơn khi gửi con cho nhà trường”.
Nói về quy định hiện hành đối với xe đưa đón học sinh, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho hay, đã tương đối đầy đủ, trong đó vai trò của nhà trường, doanh nghiệp vận tải, bộ phận dịch vụ, người quản lý trên xe để theo dõi, giám sát các cháu từ lúc đón các cháu lên xe, di chuyển và bàn giao đến trường… Vấn đề còn lại là quá trình giám sát thực hiện:
“Tất cả các khâu đã rất nghiêm ngặt, kể cả trang thiết bị cũng có yêu cầu phải có những thiết bị để có thể theo dõi, giám sát vấn đề sót các cháu trên xe cũng phải có. Nhưng con người phải là con người giám sát, con người phải đi kiểm tra lại tất cả trên xe xong mới quyết định cho xe di chuyển, chứ tại sao lại để quên các cháu. Ở đây là những sơ suất rất lớn có liên quan đến hệ thống đưa đón các cháu”, ông Tạo cho biết.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, từ Nghị định 10/2020 đến Thông tư 12/2020 đều quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quy trình đưa đón học sinh. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này đã rất khó có khả năng quên học sinh trên xe.
Tuy vậy, bà Phan Thị Thu Hiền cũng cho biết, dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến cũng bổ sung nhiều quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi xe đưa đón, như: Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô:
“Hiện nay dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đã bảo trùm, đảm bảo ATGT một cách rất triệt để. Nếu thực hiện đúng thì chắc chắn không thể xảy ra được các vụ việc như vậy. Chỉ tường hợp bây giờ người ta không thực hiện đúng thôi”, bà Hiền nói.
Tuy vậy, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, dù các quy định của pháp luật có chặt chẽ và chi tiết đến đâu, nếu người thực thi không làm hết trách nhiệm và bên giám sát không thực hiện thường xuyên, thì vẫn có khả năng xảy ra sai sót:
“Quy định pháp luật dù đầy đủ, dù chặt chẽ, nhưng quá trình tổ chức thực hiện nếu lơi lỏng, nếu chỗ này chỗ kia thực hiện không tốt, thì những vụ việc như vậy vẫn có thể xảy ra. Bởi vì ngoài việc có quy định tốt, thì quá trình thực hiện tại địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng mà ở đây quá trình tập huấn của doanh nghiệp vận tải, trách nhiệm tập huấn của cơ sở giáo dục, rồi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng tại địa phương. Cái này là mấu chốt”.
Chung quan điểm, PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng cho hay, các quy định có sẵn cũng và việc bổ sung tại các dự thảo luật đã khá chặt chẽ, song việc thực thi, từ đưa đón trẻ, đến giám sát, kiểm tra xe thì không có lực lượng nào cưỡng chế thực thi, mà hoàn toàn phụ thuộc vào lái xe và người giám sát. Bởi vậy, nếu không được tập huấn thường xuyên, các khâu thực thi rất dễ bị lãng quên hoặc buông lỏng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
“Phải tập huấn thường xuyên và phải nhắc thường xuyên, hoặc tất cả các xe đưa đón, giống như quy trình thực hiện, bước một làm gì, bước hai làm gì… những cái đấy hoàn toàn có thể dán trên cửa xe hoặc là có trước mặt người lái xe để bắt buộc họ phải tuân thủ. Đấy là những quy trình để thúc đẩy tính tự giác tuân thủ của người thực thi”, PGS.TS Phạm Việt Cường nói.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/quen-tre-tren-xe-dua-don-dan-den-tu-vong-bai-hoc-cu-noi-dau-moi-post1099105.vov